THUẬT DẪN DỤ

 

 

Trong thư 11 quyển The Mahatma Letters to A.P.Sinnett đức K.H. có nói đến khả năng ảnh hưởng trí người của ai biết thuật; tình cờ quyển From the Caves and Jungles of Hindustan do HPB viết có một chuyện (An Isle of Mystery) mô tả khả năng ấy rất thú vị. Bài dưới đây trích từ hai sách này, giúp bạn đọc tiện theo dõi và so sánh.

Trước hết là phần trích từ thư 11.

... Bạn có tin chắc là sẽ không để cho chính mình bị một ý chí mạnh mẽ có luyện tập, mười lần mạnh hơn ý chí của HPB, khuất phục ? Tôi có thể đến với bạn ngày mai, vào ngụ nhà bạn nếu được mời, khống chế hoàn toàn trí não và thân thể bạn trong 24 tiếng đồng hồ mà bạn không  hay biết chi cả ... Tôi có thể là người tốt, mà cũng có thể dễ dàng là người xấu, kẻ lập mưu, ghét thậm tệ người da trắng như bạn, giống người đã chế ngự và hạ nhục giống dân tôi, và trả thù bạn như là một trong những người đại diện tốt nhất của giống da trắng, làm sao bạn biết được.
Nếu chỉ có sự thôi miên thông thường được sử dụng - một khả năng mà người xấu cũng như người tốt dễ dàng học được y như nhau - khi đó ngay cả bạn cũng khó lòng thoát khỏi bẫy đặt ra cho bạn, nếu người được mời vào nhà chỉ là một nhà thôi miên giỏi, vì bạn là đối tượng rất dễ bị thôi miên ... Lương tâm bạn sẽ không sao cho biết nhà thôi miên là vị đạo sư chân chính hay là một thuật sĩ rất khôn ngoan, nếu một khi họ đã bước qua cửa vào nhà và làm chủ được hào quang bao quanh người bạn ...
...

 Kế tiếp, dưới đây là một đoạn trong sách của HPB.

Khi trời bắt đầu ngả về chiều, xe đi dưới cây trong rừng già hoang vu, chẳng bao lâu tới một hồ lớn, chúng tôi ra khỏi xe. Ven hồ có lau sậy mọc chằng chịt - không phải lau sậy như ở Âu châu mà như cảnh Gulliver nhiều phần sẽ thấy trong chuyến du hành của anh tới Brobdingnag. Khung cảnh hoàn toàn vắng vẻ nhưng chúng tôi thấy có chiếc thuyền cột gần bờ. Khoảng một tiếng rưỡi sau mặt trời mới lặn nên chúng tôi ngồi lặng lẽ đó đây thưởng thức cảnh sắc tuyệt vời, trong khi người giúp việc cho Thakur (tước vị chỉ nhân vật có quyền thế tại Ấn) chuyển hành lý, hộp và cuộn thảm của chúng tôi từ xe sang thuyền. Ông Y... chuẩn bị vẽ cảnh trước mặt, và nó quả thực quyến rũ.
– Không cần phải vội lấy cho hết cảnh này, Gulab-Sing nói. Nửa giờ nữa ta sẽ lên đảo ở đó cảnh lại còn đẹp hơn. Chúng ta có thể ngủ đêm và ở lại đó tới sáng mai.
– Tôi sợ một tiếng nữa là trời tối, ông Y... đáp, mở hộp mầu. Còn sáng mai thì không chừng chúng ta phải khởi hành rất sớm.
– Ồ, không đâu, không cần phải đi sớm chút nào cả. Có thể chúng ta còn ở đến trưa. Từ đây tới ga xe lửa chỉ mất ba tiếng, và xe lửa đi Jubbulpore lúc tám giờ tối. Và bạn biết không, vị Thakur thêm vào, mỉm cười theo cách bí ẩn thường có của ngài, tôi sẽ cho các bạn dự một buổi hòa nhạc. Tối nay các bạn sẽ chứng kiến một hiện tượng thiên nhiên rất lạ lùng có liên kết với đảo.
Tất cả chúng tôi vểnh tai chăm chú.
– Ngài muốn nói đảo này hay sao ? ngài có thực sự nghĩ là chúng ta phải đi ? đại tá hỏi. Sao ta không qua đêm ở đây, mát mẻ quá, và ...
– Là chỗ có báo đùa giỡn đầy trong rừng, lau sậy che chở cho họ hàng nhà rắn vui chơi, phải ông sẽ nói vậy chăng, đại tá ? Babu ngắt lời, cười rộng miệng. Ông có thích cảnh rắn tụ họp như vầy không ? Nhìn kìa ! Đủ hết, rắn cha, mẹ, ông, bà, chú, bác, con, cháu. Tôi bảo đảm có luôn cả rắn mẹ chồng.
Cô X... nhìn về hướng ông chỉ và kêu rú lên, và rừng dội lại âm vang náo động. Cách xa cô chỉ chừng ba bước có ít nhất 40 con rắn lớn nhỏ. Chúng vui đùa với nhau bằng cách phóng đó đây, cuộn tròn người rồi dãn ra và quấn đuôi vào nhau, trưng ra trước cặp mắt mở lớn của chúng tôi hình ảnh của sự hân hoan thật là vô tội và sơ khai. Cô X... không chịu được nữa nên chạy vụt vào xe, chỉ còn ló gương mặt trắng bệch, kinh hãi.
Vị Thakur, đang ngồi cạnh ông Y... để xem ông vẽ, đứng dậy chăm chú nhìn đống nguy hiểm này trong khi vẫn điềm nhiên hút ống điếu.
– Nếu không ngừng la thì cô sẽ kêu gọi hết thú hoang trong rừng ra đây chỉ trong mười phút, ngài nói. Không có gì phải sợ cả. Nếu ta không kích động con thú thì gần như chắc chắn là nó sẽ để yên ta, và có lẽ còn trốn chạy.
Nói xong ngài vẫy nhẹ ống điếu về hướng bầy hội rắn. Nếu có tia sét đánh vào giữa đám thì kết quả cũng không mạnh hơn. Trọn bầy rắn uốn éo sống động hóa sững sờ một chốc, rồi mau lẹ biến mất vào hàng lau sậy xào xạc phất phơ.
– Đúng là thôi miên, đại tá nói, không bỏ sót cử chỉ nào của vị Thakur. Làm sao ngài làm được vậy, Gulab-Sing ? ngài học thuật này ở đâu vậy ?
– Chỉ vì sợ cái ống điếu tôi thình lình vung lên mà rắn bỏ đi thôi, không có thuật chi và không có thôi miên gì hết. Chắc bạn muốn nói tới thuật mà người Ấn chúng tôi gọi là vashi–karana vidya, là thuật dùng ý chí dẫn dụ thú và người. Tuy nhiên, như tôi đã nói, thuật ấy không liên hệ chi với điều tôi vừa làm.
– Nhưng ngài không phủ nhận là đã học thuật và có được khả năng ấy ?
– Cố nhiên là không. Người Ấn nào trong phái của tôi cũng phải học các điều huyền bí về sinh lý và tâm lý, bên cạnh những điều bí mật mà tổ tiên chúng tôi để lại. Mà đó là chuyện gì ? Tôi sợ rằng, đại tá này, vị Thakur nói với nụ cười yên lặng, ông có khuynh hướng xem hành động vô cùng đơn giản của tôi như là chuyện gì huyền hoặc. Narayan đã kể lén cho ông nghe bao chuyện về tôi ... Phải thế không ?
và ngài nhìn Narayan đang ngồi dưới chân ngài, với vẻ thương yêu và trách nhẹ hòa vào nhau không sao tả được. Chàng khổng lồ gốc nam Ấn cúi mặt xuống lặng thinh.
– Ông nói đúng đó, ông Y... lơ đãng trả lời, bận rộn bày ra dụng cụ vẽ. Narayan xem ông như là thần Shiva, chỉ thua Thượng đế chút đỉnh. Ông có tin không ? Hắn nghiêm trang đoan chắc với chúng tôi rằng đạo sĩ theo Raja Yoga trong đó có ông – tuy tôi phải thú thật là vẫn chưa hiểu Raja Yoga đúng thực là gì – có thể khiến bất cứ ai thấy, không phải điều gì trước mặt họ vào lúc đó, mà là điều gì chỉ có trong trí tưởng tượng của đạo sĩ. Nếu tôi nhớ đúng thì hắn gọi đó là Maya ảo ảnh ... Nào, tôi nghĩ nói vậy hơi quá !
– Thế ư ! Cố nhiên là ông không tin và cười Narayan phải không ? vị Thakur hỏi, đưa mắt nhìn làn nước sâu của hồ mầu lục đậm.
– Không hẳn ... tuy tôi phải nói là có tin một chút, ông Y... nói tiếp, ơ hờ, chìm đắm trọn vẹn vào cảnh trí, và tìm cách nhìn kỹ vào phần muốn vẽ. Tôi phải nói là đầy đa nghi với chuyện như vậy.
– Tôi biết tánh ông Y.., đại tá nói, tôi có thể thêm về phần là ngay cả khi thấy hiện tượng nào như vậy thì ông Y... cũng chỉ nghi ngờ chính mắt mình hơn là chịu tin.
– Ông nói có hơi quá một chút nhưng đúng phần nào. Có lẽ tôi không tin chính mình nếu có chuyện xẩy ra như thế, và để tôi nói ông nghe tại sao. Nếu tôi thấy có gì mà không hiện hữu, hoặc hiện hữu chỉ cho riêng tôi, thì phải xét theo lý luận. Cái nhìn của tôi có khách quan thế nào đi nữa, trước khi tin là hoang tưởng hiện ra có xương có thịt, tôi thấy phải nghi ngờ giác quan và sự tỉnh táo của mình ... Mà coi, nó chỉ là chuyện tầm phào ! Làm như tôi chịu tin vào thực tại của chuyện mà chỉ mình tôi thấy; tin như vậy còn muốn nói là nhìn nhận có ai khác chế ngự và khống chế thần kinh thị giác của tôi lúc đó, luôn cả trí não của tôi nữa.
– Dầu vậy có nhiều người không nghi ngờ, vì họ đã có bằng chứng là hiện tượng này thực sự xẩy ra, vị Thakur nhận xét, nói bằng giọng hờ hững cho thấy ngài không có ý muốn bàn về đề tài này.
Tuy nhiên, nhận xét ấy chỉ làm tăng sự sôi nổi của ông Y...
– Chắc chắn là có ! ông kêu to, nhưng nó chứng tỏ được gì ? Ngoài ra, cũng có bấy nhiều người y vậy tin vào chuyện ma hiện hình. Mà làm ơn đừng kể tôi trong đó !
– Ông không tin vào sinh lực à ?
– Tôi tin tới một mức nào đó. Nếu ai mắc bệnh truyền nhiễm có thể ảnh hưởng người đang mạnh khỏe và làm họ bệnh, thì tôi nghĩ ai dư thừa sức khỏe cũng có thể ảnh hưởng người đang đau ốm, và không chừng làm họ hết bệnh. Nhưng giữa việc lây bệnh có tính sinh lý và ảnh hưởng của thôi miên có cách biệt lớn, tôi không tin tưởng mù quáng để chấp nhận điều sau. Rất có thể là với những chuyện như mộng du, động kinh, xuất thần thì có trường hợp truyền tư tưởng. Tôi không hoàn toàn phủ nhận nó, tuy rất là nghi ngờ. Thường thường người đồng và ai có thông nhãn đều bệnh hoạn. Nhưng tôi đánh cá với ông bất cứ điều gì, là ai mạnh khỏe trong tình trạng hết sức bình thường sẽ không bị trò thôi miên ảnh hưởng họ. Tôi muốn được thấy ai thôi miên hay ngay cả đạo sĩ Raja Yoga dẫn dụ làm tôi tuân theo ý họ.
– Này ông bạn, đừng nói mạnh miệng như thế. Đại tá bảo, bây giờ mới xen vào cuộc thảo luận.
– Không nên à ? Đừng cho rằng tôi chỉ khoác lác. Tôi bảo đảm với tôi thì chỉ có bại, chỉ vì nhà thôi miên tài giỏi nào ở Âu châu cũng đã thử với tôi mà không ăn thua gì. Ấy là tại sao tôi thách hết cả bọn thử lần nữa, và tin mình sẽ thắng cuộc. Và tôi không tin là một đạo sĩ Raja Yoga của Ấn lại thành công trong khi nhà thôi miên tài giỏi nhất của Âu châu đã thất bại.
Ông Y... tỏ ra thật hứng chí, và vị Thakur đổi đề tài, nói sang chuyện khác.
Về phần tôi, tôi cũng muốn ra ngoài đề một chút, và xin đưa ra vài giải thích thấy cần.
Trừ cô X..., không một ai trong nhóm chúng tôi là người theo Thông Linh học (spiritualism), ông Y... lại càng không phải. Hội viên TTH chúng tôi không tin vào chuyện đùa bỡn của linh hồn người đã khuất, tuy chúng tôi nhìn nhận là có thể có hiện tượng đồng cốt, mà hoàn toàn không đồng ý với người thông linh học về quan điểm và nguyên do.
Chúng tôi không tin vào sự can thiệp của vong linh, không tin cả vào sự hiện diện của vong linh trong hiện tượng ở buổi cầu hồn; dầu vậy chúng tôi tin vào linh hồn sống động của người sống, tin vào sự toàn năng của linh hồn này, và vào khả năng tự nhiên tuy rằng tiềm ẩn của nó. Chúng tôi cũng tin rằng khi nhập thế, linh hồn này, điểm linh quang, có thể làm như bị che khuất nếu không được gìn giữ, và nếu đời sống con người không thích hợp cho sự phát triển của nó như là điều hay thấy; nhưng về một mặt khác, chúng tôi tin rằng con người có thể phát triển tiềm năng thiêng liêng của mình; có nghĩa trong trường hợp đó, không hiện tượng nào mà ý chí đã được tự do của họ không thể làm được, và họ sẽ thực hiện điều mà người chưa hiểu biết thấy là tuyệt diệu hơn chuyện hiện hình của người thông linh học.
Nếu tập luyện đúng cách có thể làm bắp thịt mạnh hơn 10 lần như đối với các lực sĩ có tiếng, thì tôi không thấy làm sao việc tập luyện đúng cách lại không được vậy về mặt tâm linh. Chúng tôi cũng có lý do xác đáng để tin rằng bí mật của việc tập luyện này - tuy nhà sinh lý học và tâm lý học Âu châu không biết cũng như bác bỏ nó - là chuyện mà vài nơi trong đất Ấn biết, hiểu biết được truyền từ đời này sang đời kia, và giao phó cho một số nhỏ.
Ông Y... là hội viên sơ cơ của hội chúng tôi và không tin ngay cả hiện tượng mà phép thôi miên có thể làm được. Ông học ở Royal Institute of British Architects, tốt nghiệp với huy chương vàng, và đầy lòng hoài nghi khiến ông không tin vào bất cứ điều chi en dehors des mathematiques pures. Nên không lạ gì là ông bực bội khi người ta tìm cách làm ông tin những điều mà ông cho là chỉ vớ vẩn hoang đường.
Nay tôi xin tiếp tục chuyện.
Babu và Mulji bỏ chúng tôi để đi ra giúp chuyển hành lý  xuống thuyền. Những người còn lại trong nhóm hóa hết sức lặng lẽ, không nói năng. Cô X... ngủ yên trong xe, quên mất nỗi kinh hoảng vừa mới có. Đại tá duỗi ra trên cát, thảy đá xuống nước để chơi. Narayan ngồi bất động, vòng hai tay ôm đầu gối, chìm đắm vào sự trầm mặc không lời về Gulab-Sing như thường lệ.
Ông Y... vẽ phác vội vàng, chăm chỉ, thỉnh thoảng ngẩng đầu liếc nhìn bờ đối diện, và nhíu mày tỏ vẻ suy nghĩ. Vị Thakur tiếp tục hút ống điếu, còn về tôi thì ngồi trên ghế xếp, lười biếng nhìn mọi vật chung quanh cho tới khi mắt dừng vào Gulab-Sing, và dán chặt vào đó như bị bùa phép.
Người Ấn bí ẩn này là ai và là gì ? Tôi hỏi thầm trong trí vẩn vơ. Ngài là ai, hòa hợp trong người hai cá tính hết sức riêng biệt: bên ngoài dành cho người lạ, cho thế giới nói chung, bên trong là phần đạo đức và tinh thần, chỉ lộ cho vài thân hữu cận kề thấy ? Mà ngay cả những thân hữu gần gũi này liệu họ có biết gì ngoài những điều đã được biết ? Và họ biết gì ? Họ thấy ngài là người Ấn khác rất ít với người bản xứ có học, có lẽ chỉ khác do lòng coi thường lề thói xã hội của Ấn và sự đòi hỏi của văn minh tây phương ...
Và chỉ có vậy - trừ phi tôi thêm rằng ở miền Trung Ấn ngài được biết như là điền chủ giàu có, vị Thakur, một vị hoàng thân Raj, một trong hằng trăm hoàng thân Raj tương tự. Ngoài điều ấy, chúng ta hoàn toàn không biết gì về ngài. Tuy quả đúng là tôi có biết thêm một chút về ngài nhiều hơn người khác; nhưng tôi đã hứa giữ kín, và tôi sẽ ngậm miệng. Nhưng điều hiểu biết ít oi mà tôi có thì lạ lùng quá, khác thường quá, như giấc mơ hơn là thực tại.
Cách đây đã lâu, hơn 27 năm về trước tôi gặp ngài tại nhà một người lạ ở Anh quốc, khi ngài theo đoàn của một ông hoàng Ấn bị mất ngôi. Khi ấy cuộc gặp gỡ của chúng tôi chỉ giới hạn vào hai lần chuyện trò; sự bất ngờ của chúng, tính cách nghiêm trọng, và ngay cả sự gay go sinh ra ấn tượng mạnh mẽ đối với tôi, nhưng theo với thời gian, giống như nhiều chuyện khác, chúng chìm vào quên lãng mịt mờ.
Khoảng bẩy năm trước đó ngài viết cho tôi kêu sang Hoa Kỳ, nhắc tôi về cuộc chuyện trò và lời hứa tôi đã nói. Nay chúng tôi gặp nhau trở lại trên đất Ấn, quê hương của ngài, và tôi không thấy diện mạo ngài có gì thay đổi qua bao năm dài ấy. Khi mới gặp ngài thì tôi còn trẻ và trông trẻ trung, nhưng thời gian trôi qua biến đổi tôi thành phụ nữ lớn tuổi. Còn ngài, 27 năm trước đối với tôi ngài là người đàn ông khoảng 30, và nay vẫn không thấy già hơn, làm như thời gian bất lực đối với ngài.
Tại Anh, vẻ đẹp hùng tráng của ngài, đặc biệt chiều cao và vóc dáng, cùng với việc từ chối khác người không muốn được trình với nữ hoàng - một vinh dự mà nhiều người Ấn quí tộc tìm cách để có và sang Anh với mục đích ấy - làm công chúng sôi động chú ý và báo chí loan tin. Nhà báo thời đó, khi ảnh hưởng của Byron vẫn còn mạnh, viết không chán về Hoàng thân Rajput cứng cỏi, gọi ngài là  Raja-Misanthrope, là 'Prince Jalma–Samson', và đặt chuyện hoang đường về ngài trong suốt thời gian ngài lưu lại Anh.
Nghĩ kỹ những chuyện này làm tôi đầy óc hiếu kỳ, và khiến mê mẩn suy tư đến nỗi tôi quên hết mọi chuyện xung quanh, ngồi đó nhìn ngài đăm đăm chăm chú không kém gì Narayan. Tôi mơ màng nhìn vào gương mặt đáng chú ý của Gulab-Sing với cảm xúc lẫn lộn giữa lòng sợ hãi không sao tả được và sự thán phục nồng nhiệt; nhớ lại cái chết bí ẩn của con cọp tại Karli, việc tôi thoát chết một cách lạ lùng vài giờ trước ở Bagh, và nhiều chuyện khác quá nhiều không thể kể hết (chi tiết trong các chuyện khác của sách).
Ngài chỉ mới đến với chúng tôi vài giờ từ sáng nay, vậy mà có bao nhiêu là tư tưởng lạ lùng, những chuyện đầy thắc mắc, sự hiện diện của ngài khuấy động lên trí óc chúng tôi bao nhiều bí ẩn. Tư tưởng xoay mòng mòng rối mù làm tôi mệt óc. Nó có nghĩa gì vậy ! Tôi tự than với mình, ráng tỉnh người khỏi sự vật vờ, và cố gắng tìm chữ cho điều trầm tư.
Ngài là ai, người mà tôi đã gặp nhiều năm về trước, đầy nam tính và sức sống, nay gặp lại cũng vẫn trẻ trung đầy sức sống, chỉ có điều lại khắc khổ hơn và con người  vẫn càng không sao hiểu được. Nói cho cùng, có thể đây là anh hay em trai của ngài, hoặc ngay cả con trai của ngài chăng ? tôi nghĩ, ráng trầm tĩnh lại mà không được. Không, không có gì phải nghi ngờ, chính là ngài, cũng gương mặt ấy, cũng vết sẹo nhỏ ở thái dương bên trái. Nhưng, một phần tư thế kỷ trước ra sao thì nay cũng vậy, không một vết nhăn trên đường nét mỹ lệ cổ điển; không một sợi tóc bạc trong làn tóc dầy đen nhánh; và trong những phút lặng lẽ cũng vẫn y nét bình thản trên gương mặt, lặng thinh như pho tượng đồng sống động. Nét mặt mới lạ lùng làm sao, giống gương mặt xinh đẹp của con Nhân Sư-Sphinx biết chừng nào ! 
– So sánh không hay cho lắm, bà bạn à ! vị Thakur đột nhiên lên tiếng, có tiếng cười vui vẻ trong giọng ngài làm tôi rùng mình và đỏ mặt xấu hổ như học trò phạm lỗi. Lời so sánh ấy sai nhiều quá so với lịch sử về hai điểm quan trọng. Primo, con Nhân Sư là sư tử, tôi cũng vậy như chữ Sing trong tên tôi cho biết; nhưng con Sphinx có cánh mà tôi thì không. Secondo, con Nhân Sư là phái nữ cũng như là sư tử có cánh, còn những hoàng thân Rajput Sinhas không hề có tính ẻo lả bao giờ. Ngoài ra, con Sphinx là con gái của Chimera hay Echidna, vừa không xinh đẹp mà cũng không tốt lành; tốt hơn bà nên chọn hình ảnh so sánh khác dễ coi hơn và bớt sai lạc hơn !
Tôi chỉ biết đờ người ra vì lẫn lộn của mình, còn ngài thì cười lên vui vẻ, không làm tôi thoải mái chút nào. (Chi tiết này thú vị bởi Cyril Scott trong chuyện Vị Chân  Sư cũng có suy gẫm tương tự về tuổi của Chân sư, gần như y hệt HPB, xin bạn xem lại PST 48, trang 16).
– Để tôi cho bà một lời khuyên nhé ? Gulab-Sing tiếp tục nói, đổi giọng nghiêm trang hơn. Đừng làm mệt óc với những suy đoán tầm phào ấy, chẳng có lợi gì đâu. Bà đã biết hết mọi chi tiết cần biết, vậy hãy để định mạng sắp xếp cho mỗi người phần của họ.
Và ngài đứng dậy vì Babu và Mulji cho chúng tôi hay là thuyền đã sẵn sàng để đi, và đang gọi to cùng ra dấu giục chúng tôi nhanh chân.
– Để tôi vẽ cho xong, ông Y... nói. Gần xong rồi. Chỉ cần thêm một hai đường cọ là hoàn tất.
– Cho chúng tôi xem tranh, chuyền tay nhau đi ! đại tá khăng khăng nói và cô X... , vừa mới rời xe là chỗ trú ẩn, vẫn còn nửa tỉnh nửa mơ, lại nhập bọn với chúng tôi .
Ông Y... hấp tấp thêm vài nét vào bức họa và đứng dậy thu gộp cọ với bút chì.
Chúng tôi nhìn vào bức họa còn ướt vừa mới xong, và mở to mắt kinh ngạc. Không có hồ trong tranh, không có bờ lau sậy, và không có sương chiều êm như nhung bao phủ đảo đàng xa lúc này. Thay vì những điều ấy chúng tôi thấy cảnh biển khơi quyến rũ; những gốc dừa cứng cáp rải rác trên vách đá vôi của bờ biển; có một căn nhà kiên cố với hàng hiên và mái bằng, một con voi đứng ở cổng nhà và một chiếc thuyền trong vùng đang cỡi trên đỉnh lượn sóng bạc đầu.
– Ủa, cảnh gì đây, ông ? đại tá thắc mắc. Làm như ông ra công ngồi giữa nắng bắt chúng tôi ngồi theo để vẽ hình lạ lùng mà óc ông nghĩ ra !
– Ông nói gì vậy ? ông Y... kêu lên. Phải ông muốn nói là không nhận ra cảnh hồ ư ?
– Nghe ông ta nói kìa - cảnh hồ ! Hồ đâu, ông vui lòng chỉ xem ? Ông mê ngủ ư, hay có gì khác ?
Tới lúc này tất cả nhóm chúng tôi tụ lại quanh đại tá đang cầm bức tranh. Narayan kêu lên sửng sốt và đứng lặng, anh đúng là hình ảnh của sự hoang mang không sao tả được.
– Tôi biết chỗ này ! cuối cùng anh nói. Đây là Dayri-Bol, gia trang miền quê của ngài Thakur. Tôi biết nó. Năm ngoái hồi có nạn đói tôi đã tới đó ở hai tháng.
Tôi là người đầu tiên hiểu được ý nghĩa của chuyện, nhưng có gì ngăn lại không cho tôi nói ngay.
Chót hết ông Y... đã thu xếp xong và cất dụng cụ, đi lại phía chúng tôi theo cách uể oải, thản nhiên thông thường của ông, nhưng gương mặt lộ vẻ bực bội. Hiển nhiên là ông chán vì chúng tôi khăng khăng là thấy cảnh biển, còn ở đây không có gì khác ngoài một góc hồ. Nhưng, vừa thoạt nhìn vào bức vẽ không may của mình, gương mặt ông lập tức thay đổi. Ông hóa nhợt nhạt, nét mặt sững sờ thật đáng thương, ngó thấy tội. Ông xoay tới xoay lui tờ bìa Bristol, rồi như người điên chạy tới cặp của mình, bới tung lên đồ cất trong đó, lục lọi tìm kiếm, vung vãi tung tóe ra cát hàng trăm bức phác họa và giấy rời. Thấy rõ là ông không tìm ra được điều muốn kiếm, ông liếc nhìn trở lại vào cảnh biển trong tranh, và đột ngột lấy tay ôm mặt rũ xuống.
Chúng tôi vẫn đứng yên, ngó nhau thắc mắc và thấy tội cho ông, không để ý tới vị Thakur đứng trên thuyền, hoài công gọi chúng tôi lên.
– Coi này, ông Y..., đại tá tốt bụng nói nhỏ nhẹ làm như nói với đứa trẻ bị ốm. Ông có nhớ là mình vẽ cảnh này không ?
Ông Y... không trả lời, như thể đang gom hết sức để nghĩ kỹ. Sau một chốc ông đáp bằng giọng ồ ồ và rung rẩy.
– Có, tôi nhớ. Cố nhiên tôi vẽ nó theo cảnh thiên nhiên. Tôi chỉ vẽ điều gì tôi thấy, và chính điều ấy làm tôi bực lắm. 
– Nhưng tại sao ông lại bực, ông bạn ? Trấn tĩnh lại đi ! Chuyện gì xẩy ra cho ông thì không có gì phải xấu hổ hoặc đáng sợ. Nó chỉ là kết quả của ảnh hưởng tạm thời khi một ý chí mạnh khống chế ý chí  yếu hơn. Ông chỉ xử sự theo ảnh hưởng của người khác thôi ... 
– Đó chính là điều tôi sợ hơn hết thẩy ... Nay tôi nhớ được hết chuyện. Tôi bận rộn nhìn ngắm cảnh này hơn một tiếng đồng hồ. Tôi thấy nó ngay ở điểm tôi chọn, và thấy nó ở bờ đối điện trong suốt lúc vẽ, tôi không hề nghi ngờ là có gì không ổn. Tôi hoàn toàn tỉnh táo ... hay nói cho đúng, tôi tưởng là mình tỉnh táo vẽ lên giấy cảnh mà mỗi người chúng ta thấy trước mắt mình. Tôi mất hết ý niệm về chỗ này như khi thấy trước lúc bắt đầu bức tranh, và như bây giờ tôi thấy ... Nhưng làm sao giải thích ? Thánh thần ơi ! bộ tôi phải tin là mấy người Ấn chết tiệt ấy quả thực biết bí ẩn của trò này sao ? Nói ông nghe, đại tá, hiểu hết mấy chuyện này chắc tôi điên quá !
– Đừng sợ, ông Y... Narayan nói, mắt long lanh đắc thắng. Ông chỉ mất quyền phủ nhận Yoga Vidya, khoa học cổ xưa vĩ đại của nước tôi.
Ông Y không trả lời anh. Ông ráng dằn cảm xúc của mình và bước mạnh dạn vững chãi lên thuyền. Rồi ông ngồi xuống, tách riêng với chúng tôi, bướng bỉnh nhìn mặt nước rộng chung quanh, khó khăn trấn tĩnh lại mình.
...

 

Theo:
From the Caves and Jungles of Hindustan.
H.P. Blavatsky.